Thứ Năm, 29 tháng 5, 2008

Liệu Việt Nam sẽ đổi vận?

Mệnh đề "cơ hội & thử thách" luôn đồng hành với nhau, sự khác biệt là hiện thực hoá được cơ hội hay không? Hay sẽ bị thách thức đánh gục? Đó đang là hình ảnh của Việt Nam hiện nay. Không chỉ là "cuộc chiến" với lạm phát, với những cuộc khủng hoảng mini như: thị trường chứng khoán suy sụp, thị trường tiền tệ mong manh, thị trường bất động sản đóng băng, thị trường hàng hoá khi thì "sốt" mặt hàng gạo, lúc thì "sốt" xi măng...

Trả giá

Cách đây 2 tháng, khi chỉ số giá tiêu dùng ( CPI ) của Việt Nam 3 tháng đầu năm vượt 9%, buộc thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng "đăng đàn" cho dân biết chính phủ sẽ làm gì để ổn định tình hình? Sau thông điệp của ông Dũng, cũng như sự vào cuộc nhiệt tình của giới truyền thông ( tất nhiên, không thể không có sự chỉ đạo của đảng cầm quyền với giới truyền thông) những hy vọng còn lại của người dân được đặt vào thủ tướng.

Đổi lại, ông cũng có 2 quyết định đúng lúc, đó là công khai thông tin kinh tế vĩ mô một cách cập nhật và qui định không được tăng giá trên 10 mặt hàng chiến lược – thiết yếu. Bên cạnh những giải pháp mang tính lâu dài như: thắt chặt tiền tệ, cắt giảm chi tiêu và đầu tư công, hỗ trợ người nghèo. Với mục tiêu: kiểm soát lạm phát.

Nhưng kết quả đạt được chỉ là sự ngán ngẩm của toàn xã hội. Chỉ số CPI sau 1 tháng "hạ nhiệt" đã tiếp tục "leo thang" cùng với đó là sự xuống dốc không phanh của thị trường chứng khoán, hệ thống ngân hàng thì mong manh có thể "gặp vấn đề" bất kỳ lúc nào cho dù Ngân hàng nhà nước luôn khẳng định hệ thống ngân hàng đã ổn định, thị trường bất động sản đóng băng. Tất cả những vấn đề đó chưa "nóng" bằng những cơn "sốt" hàng hoá có thể diễn ra bắt kỳ lúc nào, khiến chính phủ "toát mồ hôi hột" dập tắt cũng như công khai nguyên nhân tại sao có "sốt"?

Vì sao nên nông nỗi này?

Khi 1 năm trước đây, vẫn hệ thống – thể chế đó, vẫn những con người đó, Việt Nam đã từng nghĩ đến cơ hội đổi vận thì nay trở thành thách thức chưa biết sẽ đi về đâu?

Câu trả lời không thể ngắn gọn và chính xác hơn: Trả giá!

Việt Nam phải trả giá cho việc trọng dụng những con người Tư tưởng – ý thức hệ. Những người thiếu năng lực – trình độ nhưng giỏi thích ứng với thể chế xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, giới tri thức bị đảng cầm quyền "soi xét" nếu sử dụng và gần như không có cơ hội trở thành lãnh đạo chủ chốt.

Một xã hội, một nền kinh tế không được vận hành theo qui luật khách quan, đã "ngấm" trong lòng Việt Nam, thay vào đó là những khẩu hiệu, những chỉ tiêu, kế hoạch...mang nặng tính hình thức – duy ý chí, được áp đặt từ nhà cầm quyền.

Ngay cả khi đảng cầm quyền chấp nhận đổi mới thừa nhận kinh tế thị trường, thì quyền được làm giàu của người dân cũng bị "loại trừ" trong nhiều lĩnh vực. Về chính trị, "quyền" của người dân lại càng "mờ mịt" hơn. Nói cách khác, nhà nước trở thành "quyền lực" khống chế sức bật của cả dân tộc, người dân mất đi sự năng động – sáng tạo – dám nghĩ – dám làm. Còn những kẻ cơ hội lại ngày càng sinh sôi nảy nở, trở thành một quyền lực vô hình, từng bước kiểm soát xã hội cả về kinh tế và chính trị.

Trong một hệ thống một chiều như vậy, khi đảng cầm quyền khẳng định là đúng, thì những người biết sai cũng không có cơ hội trình bày quan điểm.Khi đảng cầm quyền đó là cơ hội là phát triển thì ai dám đưa ra các dự báo về nguy cơ về khủng hoảng.

Chính ông Dũng đã thừa nhận trước quốc hội, những khó khăn ( chứ không dám khẳng định là khủng hoảng) hiện nay là do yếu kém nhiều năm trước đây tích tụ, nay phát tác, trong khi chính phủ yếu kém trong dự báo.

Cái giá Việt Nam đang phải trả cho một thời lựa chọn sai lầm có thể được giảm nhẹ khi và chỉ khi đảng cầm quyền thực tế hơn, thay vì "sống chết" với ý thức hệ cần phát huy ngay lập tức sức sống mạnh liệt của dân tộc từ bờ vực của khủng hoảng hiện nay

Trách nhiệm

Người ta sống vì tương lai. Đó cũng là văn hoá và lựa chọn của người Á Đông , mà trong trường hợp này là người Việt Nam. Những sai lầm chỉ có một cách sửa là thay đổi càng sớm và càng triệt để thì mới lấy lại được niềm tin của xã hội.

Điều người dân muốn lúc này không phải là sự trấn an kiểu: Việt Nam có triển vọng dài hạn sáng sủa, khó khăn trước mắt có thể vượt qua, hãy tin vào đảng cầm quyền.

Thật là nực cười khi những con người đó, hệ thống đó, đã không đủ trình độ và sự tỉnh táo để nhận diện nguy cơ của đất nước khi chơi chung 1 "luật chơi" mang tên: Toàn cầu hoá. Nay lại mong muốn hay "mệnh lệnh" cho xã hội phải "tín nhiệm" mình.

Điều người dân muốn lúc này là:

Trách nhiệm của cá nhân – tổ chức đã đưa đất nước vào "vòng xoáy" khủng hoảng mang tính dây chuyền hiện nay. Đó không phải là "nhận trách nhiệm" để rồi tiếp tục "tại vị" đến hết nhiệm kỳ. Cần có những cá nhân phải từ chức hoặc bị cắt chức để những con người có năng lực hơn, dám làm hơn, dám chịu trách nhiệm cá nhân có cơ hội làm việc cho dân, cho nước.

Trách nhiệm của người đứng đầu chính phủ, vì dù sao, bộ trưởng, những tư lệnh ngành cũng chỉ là người giúp việc cho thủ tướng.Các bộ trưởng cũng không có quyền lựa chọn cấp phó của mình, nhiều ngành – lĩnh vực không thể tự quyết mà luôn phải hỏi ý kiến của thường trực chính phủ hoặc thủ tướng chính phủ. Nếu trách nhiệm không rõ ràng, đến bao giờ người tài, có năng lực, dám làm, dám chịu mới được thi thố tài năng? Những kẻ yếu kém, cơ hội, mới bị thanh lọc?

Người ta không thể quên được ông Dũng đã "đối thoại" với dân như thế nào? Đã "chỉ đạo" như thế nào về các "vụ án trọng điểm" khi mới nhận cương vị người đứng chính phủ. Cũng từ những "thể hiện" bên ngoài đó, xã hội, giới đầu tư đã kỳ vọng vào ông, vào cơ hội của đất nước. Đã đến lúc ông Dũng "đáp lại" những kỳ vọng đó. Đã đến lúc ông cho nhân dân biết ông đã thực hiện những gì và chưa làm được những gì của "đối thoại". Và cũng 2 năm rồi, người dân muốn biết "chỉ đạo" nói trên của ông kết quả ra sao?

Trong thông điệp gửi nhân dân về quyết tâm kiềm chế lạm phát ,,,,,một trong những giải pháp được người đứng đầu chính phủ thông báo cho toàn dân là: giảm chi tiêu và đầu tư công. Vậy, trong 2 tháng đã qua, Việt Nam đã giảm được bao nhiêu đồng và những chuyển biến tích cực nào từ chuyện giảm đó?

Nhân dân cũng nhớ, thủ tướng là người ký các quyết định cho thành lập "thử nghiệm" 8 tập đoàn kinh tế nhà nước, kể từ tháng 8 năm 2006 đến năm 2007. Vặy, kết quả thử nghiệm đó ra sao? Cần những con số, những đánh giá độc lập về các tập đoàn kinh tế nhà nước để người dân biết, mồ hôi – công sức của mình được quản lý hiệu quả, không có rủi ro. Để môi trường kinh doanh không bị méo mó làm cho đất nước mất khả năng hấp dẫn, chỉ vì "quyền" kinh doanh và tác động đến chính sách của các tập đoàn này.

Truyền thông & Tiếng nói của nhân dân

Những ngày gần đây, ngoài các vấn đề kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến đại bộ phận nhân dân thì có rất nhiều "sự kiện" liên quan đến truyền thông và Tiếng nói của nhân dân.

Đó là "sự kiện" ông Nguyễn Việt Tiến được minh oan và đồng hành với việc minh oan trên có 2 nhà báo đã trở thành can phạm. Việc "minh oan" cho ông Tiến và "tạm giam" các nhà báo dù muốn hay không đã tạo ra hiệu ứng không tích cực đối với đất nước.

Nói trong "khuôn khổ" Việt Nam là như vậy, nhưng lòng người thì không bị giới hạn bởi khuôn sáo nào hết. Người dân thật khó lý giải, một ông thứ trưởng, phụ trách 1 lĩnh vực có cấp dưới bị kết án, ảnh hưởng đến quan hệ giữa Việt Nam và các nhà tài trợ, lại "vô tội"? Còn những nhà báo, những người có trách nhiệm thông tin đến xã hội sự kiện lại "có tội"? Và càng khó hiểu hơn, khi giới truyền thông sau một hai ngày đưa tin về sự kiện "hot" này bất ngờ im hơi nặng tiếng.

Chẳng nhẽ, người dân cứ phải đóng thuế cho ngân sách để duy trì hệ thống truyền thông nhà nước trong khi muốn biết thông tin "sốt dẻo" nhiều khi là chính xác từ các thông tấn xã ...vỉa hè sao? Đó là chưa nói đến cái giá Việt Nam phải mang khi thế giới "đặt điều" rằng truyền thông Việt Nam "thỉnh thoảng" bị "bịt miệng"

Đó còn là một vấn đề hệ trọng với đất nước: Điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội và một số tỉnh. Vẫn biết là Hà Nội, chật hẹp, nhu cầu phát triển hay mong muốn về một thủ đô "tầm cỡ" là mẫu thuẫn cần giải quyết. Nhưng có nên "đùng một phát" thông qua ở quốc hội, mà "người trong cuộc" cụ thể ở đây là dân Hà Nội, Hà Tây và Hoà Bình – Vĩnh Phúc không hề biết tương lai cuộc sống của mình ra sao? Mà "chất lượng" cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng nhân dân thế nào, chẳng phải bàn dân đều biết. Thử hỏi, 70% đại biểu "nghiệp dư" có thể "sáng suốt" mà đại diện cho lợi ích của đại bộ phận người dân thấp cổ bé họng hay bị lobby ( trực tiếp hay không trực tiếp ) của các nhóm lợi ích?

Vì chỉ có là người trên sao Hoả mới không biết "làn sóng" đầu cơ ở những tỉnh được "điều chỉnh" về Hà Nội. Và càng là "người nhà nước" thì càng biết có rất nhiều "dự án" của các tổng công ty – tập đoàn kinh tế ở khu vực có thể được "lên đời" này.

Với những người nông dân, khả năng "lên đời" từ "điều chỉnh" là không phải bàn cãi, những lợi hay hại khi "ném" cho những người gần như cả đời làm nông nghiệp "một đống tiền" và "đẩy" họ khỏi ngôi nhà, mảnh vườn, thửa ruộng, nghề nông mà họ gắn bó bao đời? Bất ổn xã hội, làn sóng di dân cơ học cũng từ đó mà lên, thủ đô mới "rộng hơn" những sẽ tiếp tục gặp phải những vấn đề trước đây, liệu có đáng để "đánh đổi"?

Ở một góc đánh giá khác, người dân có quyền "chất vấn": Phải chăng, mở rộng Hà Nội là hình thức "hà hơi tiếp sức" cho những tập đoàn kinh tế - tổng công ty đang "thực tập" kinh doanh đa ngành đa nghề nhưng sớm "mắc cạn" có thể "phá sản" vì đầu tư tài chính – bất động sản? Một sự "cứu" gián tiếp nền kinh tế, vốn đang "ủ bệnh" do chứng khoán hoá và kinh doanh đa ngành vô tội vạ?

Nếu vậy, xin đừng "bao to búa lớn" khi dân "đầu cơ" hàng hoá để lo cho thân mình trước.

Một "vòng xoáy" lo cho thân mình bằng mọi giá như vậy sẽ tiếp tục "đóng băng" tiền của vào bất động sản, vàng hoặc "tích trữ" hàng hoá. Nền kinh tế không những "giảm tốc" nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp lay lắt ( do luật phá sản đã "phá sản" trước thực tế), thất nghiệp gia tăng, giá cả tiếp tục "leo thang" , mà suy cơ bất ổn xã hội đã hiện hữu.Những vấn đề dân sinh như vậy cũng "quá đắt" chứ đừng nói đến "chạy chức – chạy quyền – chạy dự án, những điều "không thể thiếu" khi tách – nhập.

Ngôi sao hoà bình

Ngoài những thách thức từ "bên trong" như trên, Việt Nam cũng phải đối diện với nguy cơ từ bên ngoài. Đó không chỉ là tranh chấp ngày càng "trực diện" về lợi ích giữa Việt Nam và Trung Quốc. Mà nguy cơ cao nhất là những quốc gia khác thực hiện cải cách triệt để nhằm biến cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu hiện nay thành vận hội phát triển của họ. Rõ ràng, Việt Nam vừa có chút hy vọng đổi vận , nay lại bị cạnh tranh gay gắt và có thể bị bỏ lại phía sau mãi mãi.

Lúc này đây, người Việt Nam ( tôi không muốn nói đến chính phủ ) phải vượt qua những rào cản nội tại để biến Việt Nam thành Ngôi sao Hoà Bình.

Cách đây ít tháng có một tiến sỹ ở Viện nghiên cứu chiến lược – Bộ công thương sau khi đọc một số bài viết của tôi về kinh tế và thị trường chứng khoán đã hẹn gặp tôi để anh em có dịp trao đổi. Là người trong "bộ máy", anh đã chia sẻ với tôi nhiều suy nghĩ của "bên trong", từ chuyện báo chí tư nhân để chống tham nhũng, rồi quyền thể hiện quan điểm của người dân sao người dân không thực hiện, đến những vấn đề về "quyền lực" không ngai của các tập đoàn kinh tế nhà nước, mà như anh nói là "em đừng đụng vào tổ ông đó", vai trò của kinh tế tư nhân....

Qua đó, có thể thấy, người Việt Nam "đau đáu" về vị thế của đất nước nhưng làm sao để hiện thực hoá "khát khao" đó thì vẫn cần "chìa khoá". Trong khi, "chìa khoá" chính là sức mạnh đồng thuận của chính người dân, lại cứ bị phân tán, do sợ hãi.

Con đường của Việt Nam chỉ có thể là:

Về đối nội:

Một là, đảng cầm quyền cần thanh lọc chính mình, thoát khỏi "dây trói" của ý thức hệ. Một tín hiệu đáng lưu ý, trong thời gian gần đây nhiều chủ tịch uỷ ban nhân dân các địa phương được trẻ hoá, "đội hình" 5X – 6X "phủ sóng" báo hiệu 1 sự trẻ hoá gần như toàn diện của đảng cầm quyền trong thời gian tới ( tất nhiên trừ các bộ sức mạnh như công an – quốc phòng). Đội hình này, ngoài những "chim đầu đàn" như ông Nguyễn Thiện Nhân, Hoàng Trung Hải, xuất hiện thêm những cái tên rất đáng chú ý như: Đinh La Thắng, Vũ Đức Đam,,,,Đương nhiên, ông Dũng dù không công khai đã được nhận diện là "anh cả".

Hai là, Thay vì tìm cách "kiểm soát" đầy "tinh vi" truyền thông, đã đến lúc Việt Nam "nghĩ lớn": Truyền thông là cánh cửa đưa Việt Nam đến thế giới phát triển, không phải tự nhiên Anh – Mỹ là những quốc gia hàng đầu về truyền thông.Không nên "bỏ một giỏ" vào hệ thống truyền thông nhà nước, khi tư nhân làm hiệu quả hơn. Hãy luật hoá để tư nhân được danh chính ngôn thuận đầu tư – kinh doanh truyền thông – in ấn – xuất bản ở Việt Nam sở hữu ở nước ngoài.

Ba là: Không thể trao tài sản quốc gia vào tay những doanh nghiệp nhà nước. Đã đến lúc toàn cầu hoá đội ngũ nhân sự SCIC, biến SCIC thành một tổ chức đầu tư theo mệnh lệnh thị trường. Không tiếp tục "thử nghiệm" mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước, cũng như biến các lĩnh vực động quyền nhà nước trong đó có tài nguyên quốc gia thành môi trường cạnh tranh, thúc đẩy các tập đoàn kinh tế tư nhân tham gia vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Khi kinh tế tư nhân mạnh lên, khu vực FDI ngày một "bành trướng" doanh nghiệp nhà nước phải tái cấu trúc để tồn tại.

Bốn là: Thúc đẩy các viện – trung tâm nghiên cứu và phát triển tư nhân, của các tập đoàn đa quốc gia. Mô hình hiện nay của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, hoặc Viện nghiên cứu phát triển ( IDS ) cần được phát triển . Đặc biệt là các trung tâm nghiên cứu và phát triển ( R&D) của các tập đoàn đa quốc gia, cần nhanh chóng thu hút họ đến Việt Nam.

Năm là: Đảng cầm quyền, thúc đẩy các doanh nhân thành đạt trên thương trường tham gia điều hành đất nước với vị trí tỉnh trưởng hoặc bộ trưởng trong chính phủ. Trường hợp ông Nguyễn Quốc Kỳ, tham gia chính trường gần đây thể hiện xu thế này. Đáng tiếc, ông Kỳ, đúng hơn là những người "mời ông " tham chính đã không đủ bản lĩnh thực hiện ý tưởng của mình. Đất nước đã "chơi" toàn cầu, cần những con người của thương trường trên chính trường.

Sáu là: Bằng mọi giá, đảng cầm quyền, sức ép của nhân dân phải tách tư pháp độc lập. Sự việc ông Nguyễn Việt Tiến và các nhà báo càng đòi hỏi điều đó.

Bảy là: Tập trung nguồn lực, chính sách, tạo "lực đẩy" cho nông nghiệp Việt Nam có một vị thế "chi phối" trên thị trường nông nghiệp toàn cầu. Khi nguy cơ khủng hoảng lương thực – thực phẩm ngày một rõ nét, không có lý gì một quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đàu thế giới như Việt Nam không vươn lên "kiểm soát" thị trường, ấn định "luật chơi"?

Về đối ngoại:

Một là: chúng ta đang bị Trung Quốc tạo áp lực từ nhiều phía. Do đó, cần gửi đến "anh láng giềng" này thông điệp: Hoặc chúng tôi chơi với anh và các cường quốc khác hoặc không có anh. Thực tế Trung Quốc là một thị trường khổng lồ, một thách thức mà giới doanh – thương Việt Nam cần thâm nhập bằng quyết tâm sắt đá.

Hai là: Duy trì quan hệ "đối tác chiến lược" với Mỹ - Nhật – Nga là cách tốt nhất "bảo vệ" lợi ích của Việt Nam trước Trung Quốc. Xác định Việt Nam là một quốc gia nhỏ, thân thiệp, nguồn nhân lực dồi dào, không có tham vọng cạnh tranh hoặc đe doạ Mỹ - Nhật. Từ đó thu hút công nghệ cao và công nghệ nguồn, đây là con đường không dễ dàng cần cả khát khao và quyết tâm của giới trẻ Việt Nam. Lợi thế của Việt Nam trong cuộc đua thu hút công nghệ với 2 "siêu cường" Ân – Trung không ngoài yếu tố "Việt Nam không cạnh tranh hoặc đe doạ đến lợi ích và vị trí của Mỹ - Nhật"

Ba là: Việt Nam cần có thực lực thương trường, trong khi chạy đua thu hút công nghệ, Các doanh nhân, nhà nghiên cứu và bộ máy chính quyền cần tạo ra sức mạnh tổng lực cho ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển. Đây là chìa khoá để Việt Nam có tiếng nói trọng lượng trên thị trường nông sản toàn cầu. Đại diện cho các nước nghèo ở châu Phi – Châu á – Mỹ la tinh, tạo ra Tiếng nói bảo vệ lợi ích của Khối. Đồng thời đây là thị trường hàng hoá – văn hoá – tư tưởng của Việt Nam.

Bốn là: Chính phủ cần hậu thuận mạnh mẽ cho các doanh nhân – các tập đoàn kinh tế tư nhân vươn ra thị trường thế giới. "chia bánh" trong các lĩnh vực: truyền thông, tài chính – ngân hàng, năng lượng – tài nguyên, công nghệ sinh học....Tham gia thị trường thế giới là con đường để doanh nghiệp Việt Nam tồn tại và phát triển.

Năm là: Tham gia các tổ chức khu vực ( đa phương – song phương) để có thể bảo vệ lợi ích của chính Việt Nam và các quốc gia khác. Không tham gia, đồng nghĩa với tự cô lập, tước bỏ lợi ích của chính mình. Đặc biệt, các công dân Việt Nam nên tham gia và phát triển sự nghiệp tại các tổ chức phi chính phủ và chính phủ. Chỉ khi "hiểu" đối tác, Việt Nam mới phát triển được chính mình.

Sáu là: Bảo vệ lợi ích của cộng đồng kiều bào ở nước ngoài. Kiều bào chính là chìa khoá để hàng hoá – văn hoá – tư tưởng Việt Nam Thâm nhập các thị trường một cách bền vững. Phát triển các trung tâm văn hoá Việt Nam ở nước ngoài. Và thu hút người nước ngoài lựa chọn Việt Nam để sống – làm việc – nghỉ dưỡng, đơn giản là Việt Nam hiếu khách – an toàn thì không có lý gì không thực hiện chiến lược đó.

Trên đây là những suy nghĩ của tôi về tình hình hiện nay cũng như những giải pháp chúng ta có thể theo đuổi để đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Đổi vận hay không tuỳ thuộc vào nỗ lực của chính chúng ta, cơ hội vẫn còn đó, nếu lại để cơ hội "dìm" đất nước chúng ta trở về "vạch xuất phát" liệu số phận dân tộc đi về đâu?

Rất mong các bạn ISE cho mình thêm những ý kiến, vì đã đăng quá nhiều mà không thấy ai lên tiếng.

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2008

Bầy cừu tháo chạy

Sự suy thoái của chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp diễn không có điểm dừng khi chỉ số VnIndex rơi tự do. Các đáy bảo vệ được kỳ vọng như 600, 500, 450, ... lần lượt bị phá vỡ, viễn cảnh VnIndex rớt xuống dưới 300 - 350 điểm là rất hiện thực.

Khi lạm phát 5 tháng đầu năm lên tới gần 15.96%, lãi xuất cho vay cùng các khoản phí dịch vụ lên tới 22% thì dường như không có phép lạ nào cứu được chứng khoán. Kênh giữ tiền sinh lời nhất không còn là chứng khoán hay bất động sản. Những người thận trọng thì gửi tiền vào ngân hàng còn các nhà đầu tư đã nghiền với nhịp "tăng-gô" đã chuyển cuộc chơi sang thị trường vàng, thị trường ngoại tệ.

Một xu hướng khác là dòng tiền của các nhà đầu cơ đổ vào thị trường vật liệu, hàng hóa. Cho nên, không có gì đáng ngạc nhiên khi hết gạo rồi đến xi măng, sắt thép, ... đều lên cơn sốt. Áp lực của lạm phát khiến ai đó cũng muốn mua cái gì đó để dự trữ, thay vì giữ ... tiền mặc dù có lẽ còn lâu mới cần dùng đến.

Cá nhân tôi đang xây nhà cùng vậy, chủ thầu liên tục giục tạm ứng "kẻo giá vật liệu sắp tăng vài lần". Cả sợ, tôi cũng đành ứng tiền để chủ thầu chất đống gạch, đá, xi măng, ... cho vài tháng tới. Câu chuyện tương tự đang diễn ra với hàng chục triệu gia đình Việt Nam. Mỗi người chỉ mua thêm vài cân gạo là có thể khiến thị trường khan hiếm một cách giả tạo.

Có lẽ, tâm lý tích trữ mọi thứ vốn là đặc trưng của thời bao cấp nay đã ngấp nghé quay trở lại.

Chúng ta còn nhớ cách đây vài thập kỷ, mỗi người dân, ai cũng đều cố mua cái thùng đựng gạo thật to, sắm cái thùng chứa nước thật bự rồi đua nhau tậu xiệc-vôn-tơ công suất lớn. Những nỗ lực cá nhân đó làm cho dãy xếp hàng mua gạo dài hơn, vòi nước thì tận đêm khuya mới chảy còn ánh sáng điện thì lúc nào cũng lờ mờ.

Trong những thời điểm nhạy cảm như hiện nay, tâm lý bầy đàn của người Việt trở thành một hiểm họa đối với cả nền kinh tế. Chỉ trong vài giờ, người người đi săn lùng đổi USD khiến tỷ giá trên thị trường tự do tăng vọt đến 6 - 8%. Cũng vẫn là những người mua đơn lẻ, chỉ đổi vài ba trăm USD. Giá USD lên tới 17,600. Thật đáng sợ.

Đối với mỗi cá nhân, việc giá USD biến động 1 - 2 phần trăm có lẽ cũng không gây ảnh hưởng gì nhiều. Nhưng tâm lý bất ổn khiến tất cả ùa đi mua USD sẽ đẩy môi trường kinh tế lẫn các doanh nghiệp vốn đã rất khó khăn vào ngả trầm kha mới.

Và rồi, như đợt USD đại hạ giá cách đây vài tháng, sau khi người dân bán tháo USD với giá 15,000 - 15,300, cơn sốt hạ nhiệt nhanh như khi nó tới, để lại những con người tiếc nuối ngẩn ngơ.

Giá như trong thời gian qua, mỗi người phản ứng một cách bình tĩnh hơn, từ tốn hơn trước những biến động thị trường thì có lẽ thị trường chứng khoán, thị trường hàng hóa cũng như nền kinh tế nói chung sẽ không bất ổn đến như vậy.

Giống như một sự cố va chạm trên sân vận động, mỗi người càng lồng lộn, càng cố gắng trốn chạy thì nguy cơ bị đè bẹp, bị dẫm đạp càng lớn, cơ hội sống sót càng thấp.

Bạn sẽ hành động như thế nào?

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2008

Ngày 1/06/2008 Xuân Đính Hôn.

Alo, các bạn K 98, Ngày 1/6/08 Xuân Đinh Hôn, tại Long An. Xuân Nhờ mình Thân mời các bạn từ ISE 98 tham gia dự buổi đính hôn của Xuân.

Rất mong các bạn có mặt.

Moible của Xuân: 0903712403. Các bạn chia sẽ niêm vui với xuân qua số moible đó nhé. Chúc các bạn vui vẽ và thật nhiều hạnh phúc.

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2008

Chứng khoán gục ngã

Ở Việt Nam, chứng khoán đã ra mắt các nhà đầu tư nhân dân như một trò chơi kiếm tiền nhanh, nhiều người đã coi chứng khoán là cơ hội đổi đời. Dân ta đã đầu tư chứng khoán theo phòng trào, giống hệt như đã từng nhà nhà đi nuôi chim cút, nuôi chó nhật, ... rồi gần đây hàng trăm ngàn người trở thành nạn nhân của các ngón lừa đảo đầu tư vàng, ngoại tệ trên mạng.
Thông thường, người ta trở nên cả tin, trở nên nhẹ dạ hơn bao giờ hết khi bị lòng tham chi phối. Mọi người đều kỳ vọng vào những mức lợi nhuận mà không một ngành sản xuất kinh doanh tử tế nào có thể đáp ứng nổi. Tôi luôn nói với mọi người là bất kỳ hoạt động đầu tư nào hứa hẹn đem lại trên 5% mỗi tháng đều chứa đựng những nguy cơ, mạo hiểm tiềm tàng hoặc yếu tố lừa đảo.
Trở lại sàn chứng khoán Việt Nam, có những giai đoạn, chỉ số PE của các công ty niêm yết lên tới 70 - 80 mà các nhà đầu tư vẫn mua ào ào. Mọi người ôm chứng khoán vào với niềm tin là sau vài phiên (T + 3) có thể bán được và thu về 15 - 20% lợi nhuận. Chứng khoán bỗng nhiên có tính thanh khoản như tiền và người mua coi đây như một hình thức "gửi tiết kiệm" với lãi xuất hàng chục phần trăm mỗi tuần.
Khi đã coi chứng khoán như tiền, không ai quan tâm đến giá trị thật của chứng khoán nữa mà chỉ quan tâm xem chứng khoán này ngày mai có "cởi trần" (tăng giá trần) hay không mà thôi. Ai cũng nghĩ mình là người khôn ngoan nhất, mình sẽ là người rút chân được ra đầu tiên trước khi cơn hồng thủy ập tới.
Các công ty niêm yết với số thăng dự vốn khổng lồ lại tiếp tục đổ hết vào quanh vòng chứng khoán. Ai cũng khấp khởi với lợi nhuận tăng nhanh hàng tuần. Có những công ty tự hào ôm được lượng chứng khoán rẻ tuyên bố "muốn có mức lợi nhuận bao nhiêu cũng được, chỉ cần thanh khoản danh mục đầu tư".
Các công ty đua nhau trình ra những bản báo cáo tài chính với chỉ số EPS cao ngất ngưởng. Các nhà đầu tư thì choáng váng, mờ mắt không phân biệt được đâu là lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh truyền thống, đâu là lợi nhuận từ đầu tư tài chính. Đối với một công ty tay ngang, lợi nhuận từ đầu tư tài chính chỉ đáng giá bằng một phần mười lợi nhuận sản xuất kinh doanh truyền thống. Lợi nhuận từ đầu tư tài chính rất mong manh, hôm nay có thể kiếm được hàng tỷ nhưng không có gì bảo đảm là ngày mai còn kiếm được như vậy, chưa kể còn có thể lỗ gấp nhiều lần những gì kiếm được ngày hôm nay.
Nhiều công ty thuộc hàng blue chip trên sàn chứng khoán đã liên kết với nhau chơi trò chơi cổ đông chiến lược. Công ty A bán cho Ngân hàng B 10% cổ phần, Ngân hàng B bán cho Công ty C 10% cổ phần rồi Công ty C lại bán cho Công ty A 10% cổ phần. Cả 3 công ty là những nhà đầu tư chiến lược của nhau. Hàng Quý, các công ty lần lượt bán ra cổ phần đã "đầu tư chiến lược" ra và kê khai các khoản lợi nhuận ảo khổng lồ. Với cùng một đồng tiền, qua vòng quay chứng khoán, nó được nhân lên hàng chục lần. Ai cũng đếm đống giấy chứng nhận cổ phần trong tay với tiền triệu.
Câu chuyện này tương tự như có hai anh nông dân, một anh gánh khoai, một anh gánh ngô ra chợ. Đến nơi, chợ vắng chỉ có hai người. Anh bán khoai có một đồng tiền, đến trưa, buồn miệng mua đồng ngô ăn chơi. Rồi đến anh bán ngô mua lại một đồng khoai ăn cho đỡ đói lòng. Đến chiều, cả hai anh đã mua bán hết ngô khoai và ra về vẫn với một đồng tiền.
Lúc đầu, các Quỹ đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường Việt Nam rất dè dặt. Nhưng rồi, khi thấy các lý thuyết đầu tư bài bàn không đúng ở thị trường Việt Nam khi người người xông vào thị trường, nhiều Quỹ cũng chuyển sang phương thức đầu tư chụp giật. Cả thị trường gồm nhà đầu tư có tổ chức lẫn nhà đầu tư cá nhân nhân đều mua tranh bán cướp.
Do lợi nhuận quá cao, do niềm tin chứng khoán tiếp tục tăng giá, do lòng tham, nhiều nhà đầu tư đã áp dụng công thức repo chứng khoán xoay vòng để lấy tiến mua tiếp chứng khoán rồi lại đem chứng khoán mới mua repo tiếp. Vòng xoay này cuốn theo hàng chục ngàn tỷ đồng của các nhà băng vào thị trường chứng khoán. Chỗi repo này sẽ trở thành gánh nặng ngàn cân đối với cả nhà đầu tư lẫn ngân hàng khi thị trường có dấu hiệu chững lại.
Thị trường chứng khoán nóng quá tác động tiêu cực đến cả nền kinh tế. Khi mà ai cũng nhìn thị trường chứng khoán như mỏ vàng lộ thiên thì không ai còn an phận tiếp tục công việc truyền thống của mình nữa. Trong thời gian ngắn, hàng trăm công ty chứng khoán được xin và cấp phép đã nói lên sự khát khao của các nhà đầu tư. Các chỉ số chứng khoán đều ở mức báo động khi nhà đầu tư mù quáng đổ tiền lên sàn.
Và cuối cùng, Chính phủ đã ra tay hòng giảm nhiệt cơn sốt chứng khoán mà báo chí gọi là ngăn chặn quả bong bóng sắp nổ. Cần phải nhìn nhận một cách tỉnh táo thị trường chứng khoán là một thực thể hết sức nhạy cảm được xây dựng trên cơ sở niềm tin. Kim tự tháp lòng tin vô cùng mong manh dễ vỡ. Các tác động đến thị trường chứng khoán mà làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư sẽ lập tức dẫn tới cuộc tháo chạy hỗn loạn mà hậu quả không thể lường được.
Tôi rất tâm đắc câu nói: một nửa cái bánh mỳ vẫn là một nửa cái bánh mỳ, nhưng một nửa niềm tin thì không còn là niềm tin nữa. Niềm tin là một thể toàn vẹn mà chỉ cần sứt một mẩu nhỏ thì toàn bộ những gì được xây dựng trên cơ sở niềm tin đều sụp đổ.
Trong vài tháng, Nhà nước đã đưa ra một loạt các biện pháp giảm nhiệt thị trường giống một thầy thuốc kế cho bệnh nhân những đơn thuộc loại đặc trị rất nặng mà không tính tới thể chất của con bệnh. Các đơn thuộc này đều tập trung vào việc giảm lượng tiền lưu thông trên thị trường, siết chặt dòng tiền chảy vào chứng khoán, siết chặt cho tín dụng đối với những thị trường liên thông với chứng khoán như bất động sản, ngoại hối.
Chúng ta quên mất một điều là con bệnh đang quen được uống nước nhiều, việc đóng vòi nước một cách cấp tập khiến cho con bệnh bị sốc phản vệ.
Nhìn vào cách điều trị bệnh của chúng ta và của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ thấy các biện pháp hoàn toàn trái ngược nhau. FED liên tục giảm lãi xuất nhằm lùa tiền ra ngoài thị trường, khuyến khích người dân đầu tư, chi tiêu thay vì gửi tiền ở ngân hàng. Lãi xuất của FED giảm đến mức thấp nhất trong vòng 4 năm gần đây.
Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ đệ trình chính sách ưu đãi thuế nhằm tăng cường tiêu dùng và bơm một lượng tiền mặt cực lớn ra để cứu thị trường. Họ ý thức rõ là nếu để xảy rất bất kỳ một ngưng trệ nào trong vòng quay của thị trường tiền tệ sẽ ảnh hưởng một cách tiêu cực đến toàn bộ các ngành sản xuất thương mại và gây ra đổ vỡ dây chuyền. Các tập đoàn tài chính Mỹ và Tây Âu đã kê khai những khoản lỗ kỷ lục nhưng với sự trợ giúp của Chính phủ, không thấy ngân hàng nào mất khả năng thanh toán và cũng chưa có ai phá sản.
Ở Việt Nam, các biện pháp cấp tập như khống chế tỷ lệ cho vay chứng khoán (28.05.2007), tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc (16.01.2008), phát hành tín phiếu bắt buộc (16.02.2008), giãn tiến độ mua ngoại tệ của các nhà đầu tư nước ngoài đã cắt hẳn nguồn cung tiền cho thị trường chứng khoán.
Hầu hết các tổ chức tín dụng phải chạy đua cật lực để đảm bảo tỷ lệ cho vay chứng khoán, chạy đua gom tiền mua tín phiếu bắt buộc, ... Các ngân hàng ở vào tình trạng khan tiền hơn bao giờ hết. Mất nguồn cung tiền, quả bong bóng chứng khoán đã nổ tung.
Ngay sau tết âm lịch, chỉ trong vòng 1 tuần, các cổ phiếu chủ chốt đã mất giá trên 20% khiến các nhà đầu tư hoảng loạn. Sự hoảng loạn bao trùm lên cả nhà đầu tư có tổ chức lẫn nhà đầu tư cá nhân. Ai cũng cố đẩy cổ phiếu của mình ra sàn và khi ai cũng muốn bán thì hẳn không ai muốn mua. Không ai kịp có phản ứng tích cực. Hàng chục ngàn tỷ đồng bộc hơi theo VnIndex.
Khi chứng khoán rớt giá cỡ 30% thì lập tức tác động mạnh đến những cổ phiếu đang được repo ở ngân hàng. Xuống dưới giới hạn cho phép, các ngân hàng buộc con nợ hoặc đắp thêm tài sản hoặc phải bán cổ phiếu. Chứng khoán cứ xuống một vài điểm thì càng có thêm nhiều cổ phiếu đang thế chấp phải bán ra. Các cổ phiếu nào trước đây có tính thanh khoản cao, giá trị cao, được thế chấp nhiều thì càng bị áp lực lớn.
Chuỗi repo đổ sụp khi các con nợ không còn giải pháp nào ngoài việc để ngân hàng cưỡng bức bán cổ phiếu. Giống như quả bóng tuyết, càng lăn thì quả bóng càng to và các ngân hàng trở thành những "nhà đầu tư bất đắc dĩ" lớn nhất.
Các ngân hàng có cho vay chứng khoán đều thiệt hại lớn vì không thể thu hồi nợ khi chứng khoán mất giá. Họ càng ép các con nợ thì áp lực xả chứng khoán lên sàn càng lớn, giá càng xuống thấp thì càng nhiều cổ phiếu xả ra. Trong sự hỗn loạn đó, chứng khoán như đồ bỏ, không còn khái niệm giá trị nội tại, PE, EPS, ... Chỉ còn một áp lực là phải có tiền.
Tổn thất của ngân hàng dẫn đến ảnh hưởng nặng nề khả năng thanh toán. Các ngân hàng buộc phải huy động vốn bằng mọi giá dẫn đến cuộc đua lãi xuất huy động. Trong vòng 4 tháng, lãi xuất huy động đã tăng từ 0.7%/tháng lên 1.2%/tháng. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước khống chế trần lãi xuất huy động là 12%/năm nhưng lệnh này chỉ tác động đến người gửi tiền nhỏ lẻ. Đối với các khoản tiền gửi lớn, khách hàng đều yêu cầu ngân hàng lập hợp đồng tín dụng riêng rẽ với mức lãi xuất 14% - 15%/năm.
Lãi xuất đầu vào tăng khiến các ngân hàng xiết chặt đầu ra. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có độ tín nhiệm thấp đều không còn khả năng vay được tiền từ ngân hàng. Còn các doanh nghiệp lớn nếu muốn vay thì lãi xuất lên đến 18 - 22%/năm. Trong nhiều giai đoạn, các ngân hàng chỉ đem tiền cho nhau vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi xuất tới 30%/năm.
Dòng tiền giờ đây không chảy vào sản xuất, không chảy vào đầu tư mà chỉ chảy vòng quanh các ngân hàng. Khi lãi xuất lên tới hàng chục phần trăm, không ai còn muốn đầu tư tiền vào những nơi rủi ro nhưng chứng khoán, thậm chí cùng không còn muốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Khẩu hiệu "Cash is King - Tiền là Vua" có nghĩa hơn bao giờ hết, và mọi người chỉ muốn gửi vua vào ngân hàng. Khi dòng tiền không hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nhiều ngành nghề có mức sinh lời thấp sẽ ngưng trệ dẫn đến phản ứng dây chuyền tiêu cực cho nền kinh tế.
Tác động kép của thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ làm bức tranh kinh tế Việt Nam 2008 rất xấu. Nếu Chính phủ không có những biện pháp hợp lý thì hậu quả rất khó dự đoán.
Hàng ngày, nhìn trên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các công ty niêm yết cứ khất lần việc công bố báo cáo tài chính Quý 1 với nhiều lý do như "bị virus máy tính", "bận tham gia hội chợ", "nhiều sổ sách phải tổng hợp", ... cùng hàng loạt những bản giải trình kết quả kinh doanh là có thể hiểu được phần nào sức khỏe của các công ty.
Khi siết chặt chứng khoán, nhiều người đặt ra tiền đề hy sinh chứng khoán để cứu lạm phát vì lạm phát ảnh hưởng đến cuộc sống của mấy chục triệu người còn chứng khoán chỉ có 300 ngàn tài khoản. Nhưng 300 tài khoản đấy liên quan đến gần 50% GDP là không thể xem nhẹ.
Chứng khoán, tiền tệ, bất động sản là những thị trường liên thông với nhau. Khi chứng khoán gục ngã, bất động sản đóng băng thì tiền tệ lên cơn sốt. Liệu nền kinh tế sẽ chịu đựng thế nào thì mạch máu tiền tệ cứ tiếp tục sôi?

Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2008

Nỗi buồn chứng khoán


Chỉ sau vài tháng suy thoái, chỉ số chứng khoán VnIndex đã sụt xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Từ chỗ nhà nhà hào hứng lên sàn, giờ đây sàn chứng khoán đìu hiu hơn một phiên chợ chiều. Thậm chí nhiều người không buồn tới nhận cổ tức vì chúng quá còm cõi so với số vốn đã đầu tư.

VnIndex sụt từng ngày theo biên độ 1%, 2%, tạo thành một áp lực tinh thần đè nặng lên các nhà đầu tư, các công ty chứng khoán, các ngân hàng. Như một người bị bóp cổ, cái chết đến một cách từ từ, hiện hữu, không lối thoát.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, có khi chịu đựng một cú đột quỵ hay một “ngày thứ ba đen tối” còn dễ chịu hơn nhìn vốn đầu tư của mình bị mài mòn dần dần.

Đột quỵ rồi còn có cơ may hồi sinh, ngã xuống vực rồi còn có cơ hội leo lại dốc chứ chết từ từ là một sự đày đọa thể xác đến tận cùng, như hình phạt “tùng xẻo” thời phong kiến.

Cơn sốt chứng khoán những năm 2006, 2007 đã làm cho nền kinh tế Việt Nam bị bội thực. Hàng loạt các công ty lớn được cổ phần hóa, được IPO đã nhanh chóng biến hàng trăm ngàn nhà đầu tư, cán bộ điều hành trở thành triệu phú.

Trong một ngữ cảnh nào đó, chuyện này giống như nhà nông bán đất hương hỏa hay một anh nghèo bỗng phát hiện ra chiếc bình hoa trên bàn thờ tổ là một cổ vật quý hiếm.

Đối với một nền kinh tế mới lớn như Việt Nam, việc đột nhiên xuất hiện vài trăm ngàn người giàu có cũng nguy hiểm tiềm tàng như cơn bão cấp mười hai đổ vào miền Trung làm vài trăm ngàn người phải chịu cảnh màn trời chiếu đất.

Cơn bão nhiệt đới cướp đi sinh mạng, hủy hoại tài sản, làm mất nhà cửa, khiến cho khan hiếm lương thực và mọi hàng hóa đều trở nên đắt đỏ.

Cơn bão tiền tệ cũng vậy.
Giả sử trong điều kiện kinh tế trước đây, chúng ta có nhu cầu tiêu thụ và khả năng cung cấp một triệu cái bánh mỳ, mười ngàn căn hộ, một ngàn cái xe hơi, … giá cả bình ổn. Thì nay, với làn sóng người giàu lên quá nhanh từ chứng khoán, nhu cầu bỗng dưng tăng gấp đôi, gấp ba.

Trước đây chưa có điều kiện, chúng ta chỉ ăn một cái bánh mỳ, nay rủng rỉnh, ta xơi hai cái. Trước đây ta dự định 3 năm nữa mua nhà, 5 năm nữa mua xe thì nay ta tậu nhà ngay, mua xe gấp cho nó theo kịp thời đại, cho nó bằng bạn bằng bè.

Dòng tiền từ các Quỹ đầu tư nước ngoài liên tục rót vào túi các nhà đầu tư thứ cấp, biến thành xe, thành nhà, thành các món đồ xa xỉ thì nhiều mà thúc đẩy sản xuất thì ít.

Đồng tiền “dễ dàng” đó tạo nên một xã hội giàu có và phồn thịnh giả tạo. Đồng tiền “dễ dàng” làm cho hàng trăm ngàn người giàu lên và cũng làm hàng trăm ngàn người mất đi động lực làm việc.

Chúng ta cứ tưởng tượng, chứng khoán mỗi phiên tăng 5%, một tuần có thể tăng 25% thì liệu trên đời này có một công việc làm ăn chân chính nào bì kịp?

Suy thoái tinh thần làm việc xảy ra ở tất cả các công ty niêm yết, nhiều cán bộ quản lý đã rời khỏi công việc vì bây giờ giàu quá rồi, việc gì phải ép xác làm việc 8 tiếng mỗi ngày mà lương thưởng cả năm không bằng một tuần chứng khoán tăng giá.

Tất cả mọi thứ đều tăng giá, đều trở nên khan hiếm. Giá sinh hoạt tăng vài chục phần trăm, giá nhà đất được đẩy lên vài lần. Một người bạn tôi mua căn biệt thự Phú Mỹ Hưng cách đây 2 năm giá 13 tỷ thì trong cơn sốt rao bán 55 tỷ mà người hỏi mua vẫn nườm nượp. Ai cũng sợ bán rồi thì ngày mai sẽ hớ.

Với đồng tiền dễ kiếm, các đại gia ùn ùn chơi “siêu xe”, chơi “phi cơ”. Tuần nào trên báo chí cũng đăng hình những con xe mới, con sau đắt hơn, xịn hơn con trước và những con xe ở cuối cuộc đua đã trị giá tới 1.5 triệu USD. Sở hữu “siêu xe”, “phi cơ” trở thành niềm tự hào và thể hiện đẳng cấp đại gia. Hàng tỷ USD đã biến thành xe.

Dòng tiền từ các Quỹ đầu tư tạo thành vòng xoáy chứng khoán chảy xiết và cuốn theo mọi đồng tiền nhàn rỗi trong xã hội. Từ bà nội trợ đến anh công chức, ai cũng đổ lên sàn để giành lấy cơ hội cho mình. Ai cũng sợ lỡ chuyến tàu “chứng khoán”, ai cũng mong có dịp đổi đời, ai cũng sẵn sàng dốc túi.

Vòng xoáy khiến mọi chứng khoán đều lên giá ầm ầm, bất chấp công ty đó có ăn nên làm ra, có khả năng hấp thụ đồng vốn, có triển vọng dài lâu. Người bạn làm cho một Quỹ đầu tư thốt lên “Ở Việt Nam, mọi lý thuyết đầu tư đều sai khi nhà nhà lên sàn”.

Hàng ngàn công ty phát hành thêm cổ phần để gọi vốn mà không có trong tay bất kỳ một dự án đầu tư tử tế nào. Phát hành đơn giản là để thu về hàng trăm tỷ, hàng ngàn tỷ “thặng dư vốn”. Các cổ đông cũ, mới đều hỉ hả khi các công ty hứa hẹn sẽ chia cổ phần mới, một đồng ăn n đồng mà không hiểu rằng đó cũng chính là tiền của mình, rằng mình đang tham gia vào một trò chơi “đa cấp”, nơi mà ma mới nộp tiền nuôi ma cũ.

Rồi đến lượt các công ty cũng “choáng váng” khi trong tay có số vốn lớn gấp nhiều lần cùng áp lực phải làm ra tiền nhanh hơn nữa. Cổ đông đều kỳ vọng vào những mức lợi nhuận hàng trăm phần trăm, mức lợi nhuận mà có đi buôn ma túy cũng không được. Không ngành sản xuất thương mại nào có thể đáp ứng nổi cơn thèm này.

Để thỏa mãn cơn khát, các công ty chỉ còn một con đường là đầu tư tài chính, là đầu tư bất động sản, là lập ngân hàng. Các công ty xa rời ngành nghề cha sinh mẹ đẻ của mình để dấn thân vào một lãnh địa mới đầy nguy hiểm, nơi mà thổ công, hà bá còn nhiều hơn những người bình thường.

Hậu quả tất yếu là nền kinh tế nhập siêu ở mức độ chưa từng thấy. Việt Nam đã dịch chuyển quá nhanh từ một nước chân lấm tay bùn thành một xã hội tiêu thụ trong khi vẫn đứng trên một nền tảng sản xuất lạc hậu. Đôi chân đó có thể sẽ không cõng nổi sức nặng của “cái bụng bự”.

Và rồi vòng xoáy bỗng đột nhiên dừng lại sau khi đã cuốn trôi cả những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng giấu kín tận đáy tủ. Cơn bão tan, nước rút đi chỉ để lại rác rưởi, dịch bệnh và những con người không còn khí lực, những con người đã hoặc sắp mất hết tài sản.

Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2008

Vuong oi

Vuoing oi, sao may kong post bai len nua
Nhung bai do thay co y nghia