Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2008

Nên thu thuế gì?

Tôi xin chia sẻ tiếp về đề tài thuế.
Bên cạnh việc thu thuế như thế nào còn là vấn đề nên thu thuế gì?

Từ góc độ một doanh nhân, tôi cho rằng việc Nhà nước thu thuế cùng giống như doanh nghiệp tiếp thị hàng hóa dịch vụ. Doanh nghiệp có thể bán nhiều loại hàng hóa dịch vụ khác nhau, có loại bán rất chạy, đắt khách, cung ứng ra không kịp nhưng cũng cũng có những sản phẩm bán mãi không ai mua, cho dù có khuyến mại rất nặng ký?!

Cách đây 18 tháng, khi nhóm chuyên gia của Ngân hàng Rothschild được hai Quỹ đầu từ Texas Pacific Group (TPG) và Intel Capital thuê vào đánh giá FPT, họ đã rà soát FPT Telecom cả tuần. Điều họ quan tâm nhất là chúng tôi có bao nhiêu khách hàng mà tháng nào cũng đều đặn tạo ra doanh thu. Trong bảng tính của họ, những khách hàng này giá trị gấp nhiều lần những khách hàng vãng lai, đến mua một lần rồi rất lâu sau mới quay trở lại.

Những khách hàng này được gọi dưới khái niệm recurring customer – “khách hàng tuần hoàn”. Những khách hàng tuần hoàn sẽ luôn tạo cho công ty doanh thu cho dù họ có đang ăn tết, đang đi nghỉ mát, thậm chí đang ngủ…

Doanh thu tuần hoàn quan trọng hơn nhiều lần doanh thu từ những khoản trả tiền một lần, cho dù những khoản trả tiền một lần có thể rất lớn. Công ty sở hữu số đông khách hàng tuần hoàn sẽ có mức thu nhập ổn định, vững chắc, không phải lặn lội thân cò, ăn đong hàng bữa.

Với tư duy như vậy, nhìn vào cách thu thuế ở Việt Nam, tôi thấy cơ quan thuế toàn nhằm vào những khoản thu một lần. Những khoản thu một lần đó lại rất dễ “né”, dễ “trốn”, dễ “nhập nhèm” và rất khó thu.

Thí dụ trong lĩnh vực bất động sản, Nhà nước không thu thuế sở hữu tài sản mà chỉ rình để đánh các loại thuế trước bạ, thuế sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân từ việc chuyển nhượng bất động sản.

Việc cơ quan thuế áp các mức thuế trước bạ cao làm mất đi ý nghĩa của loại thuế này – đơn thuần là chi phí hành chính để làm thủ tục sang tên tài sản. Thu phí trước bạ cao, người dân sẽ không hợp thức hóa tên chủ tài sản dẫn đến rất nhiều hệ lụy tranh chấp mua bán và Nhà nước thì không có sở cứ pháp lý để quản lý hữu hiệu đất đai, nhà cửa.

Nếu chúng ta áp dụng một mức thuế trước bạ đúng với nghĩa của từ này – một khoản phí hành chính vài triệu đồng thì có lẽ bất cứ ai mua bán cũng sẽ hoàn tất cả giấy tờ pháp lý về sở hữu.

Còn trên thị trường kinh doanh các dự án bất động sản, đa phần tình trạng giấy tờ của các bất động sản là các hợp đồng góp vốn. Các hợp đồng này có thể tồn tại vĩnh viễn ngay cả khi bất động sản đã xây xong và đưa và sử dụng từ lâu. Và người ta cứ việc buôn đi bán lại các hợp đồng này mà không phải đóng bất kỳ loại thuế gì ngoài lệ phí sang tên hợp đồng do các chủ đầu tư dự án thu.

Sở dĩ người dân không mặn mà với việc làm giấy tờ chính thức vì Nhà nước thu thuế sử dụng đất một lần quá cao. Thí dụ, như căn nhà tôi đang ở tại Phú Mỹ Hưng, Q7, TP HCM, nếu làm giấy tờ ra sổ đỏ, sổ hồng thì sẽ phải đóng cỡ trên 3 tỷ đồng tiền thuế sử dụng đất. Và khi căn nhà vẫn ở dạng hợp đồng, chưa phải bất động sản thì Nhà nước cũng chả thu được thuế gì.

Anh bạn của tôi còn nghĩ ra một môn rất hay gọi là công ty hóa tài sản. Anh đã lập ra một công ty ứng với mỗi căn nhà mà anh ấy mua. Công ty không hoạt động gì, cũng không có nhân viên, không đăng ký hồ sơ thuế. Công ty chỉ sở hữu duy nhất một tài sản là căn nhà. Khi cần bán nhà, anh bạn chỉ đơn giản bán lại toàn bộ phần hùn công ty cho người chủ mới. Hoàn toàn hợp thức, không phải đóng bất kỳ loại thuế nào và cũng không phiền nhiễu chuyện công chứng hay phải làm các thủ tục sang tên sổ đỏ, sổ hồng vốn rất mất thời gian.

Rồi việc Nhà nước tính chuyện thu thuế thu nhập cá nhân từ việc chuyển nhượng bất động sản cũng là việc rất khó. Trong điều kiện mua bán trao tay, thanh toán bằng tiền mặt thì việc xác định giá mua, giá bán chính xác là chuyện không tưởng. Tôi nghĩ, Nhà nước sẽ khó mà thu được khoản thuế này.

Trong một cách tiếp cận khác, Nhà nước nên cho người dân hợp thức hóa tất cả các bất động sản rồi sau đó tiến hành thu thuế sở hữu tài sản một cách rất đơn giản với những sở cứ không thể chối cãi được như: vị trí, diện tích đất, diện tích nhà. Ở nhiều nước mức thuế này tương đương 0.5 – 2% trị giá tài sản mỗi năm. Bất động sản nằm chình ình ra đó với chủ sở hữu, vị trí, kích cỡ rõ ràng thì muốn không đóng thuế cũng không dễ.

Biểu thuế tài sản áp dụng với các mức khác nhau tùy thuộc vào vị trí của bất động sản. Ở những khu vực trung tâm thuế cao, còn ra những khu vực ngoại vi thuế sẽ thấp hơn. Áp lực thuế sẽ thúc đẩy việc sử dụng đất đai một các hợp lý. Khi đó, chủ sở hữu những căn nhà lụp sụp ở khu vực trung tâm sẽ tự động phải dọn đi ra xa hơn vì thuế ở trung tâm mắc quá. Và đương nhiên, ở khu vực trung tâm, với hạ tầng được đầu tư đắt tiền thì chỉ có chỗ cho các cao ốc với hệ số sử dụng đất tối ưu.

Nhà nước áp dụng thuế này, bất động sản nào cũng sẽ có chủ chính thức và Nhà nước tự nhiên có hàng chục triệu “khách hàng tuần hoàn” đều đặn đóng góp tiền thuế hàng năm cho ngân sách.

Giả thiết chỉ tính riêng ở Hà Nội và TP HCM với tổng số khoảng 12 triệu dân tương đương 4 triệu hộ, mỗi hộ có diện tích ở là 30m2, và giá trị nhà bình quân là 1,000 USD/m2 thì nếu thu phí tài sản ở mức 0.5%/năm thì mỗi năm Nhà nước có thể thu được 600 triệu USD từ loại thuế này.

Tương tự như vậy là thuế đối với xe hơi.
Khi cơ quan thuế, hải quan đánh thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt rất cao đối với xe hơi, các nhà nhập khẩu đã tìm trăm phương nghìn sách để giảm giá xe kê khai trên hóa đơn, biến xe mới cứng thành xe chạy rồi, ... để giảm thuế.

Chiếc xe tôi đang đi cũng vậy, là xe mới cứng nhưng được chủ gara cho đắp chiếu đủ 6 tháng rồi nhập về Việt Nam theo tiêu chuẩn của một Việt Kiều hồi hương. Chủ gara đã kiếm bẫm từ khoản chênh lệch thuế này.

Rồi Nhà nước đánh thuế trước bạ cao cũng dẫn tới việc mua bán xe mà không sang tên. Bản thân tôi cũng đã bán đi mấy chiếc xe mà không thấy chủ mới nào yêu cầu sang tên. Điều đó khiến Nhà nước không thể quản lý được chính xác chủ phương tiện.

Giống như bất động sản, Nhà nước nên giảm các loại thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trước bạ mà chuyển sang thu thuế sử dụng xe. Nhà nước thu sẽ thuế sử dụng xe hàng năm căn cứ theo dung tích động cơ, theo số ghế, năm sản xuất.

Xe nào dùng động cơ lớn tốn nhiều xăng thì đóng thuế nhiều. Xe nào to, chiếm nhiều chỗ trên lòng lề đường thì cũng phải đóng thuế nhiều. Xe nào cũ, dễ gây tai nạn, gây ô nhiễm thì cũng phải đóng thuế nhiều hơn.

Giả thiết với mức thu thuế sử dụng bình quân là 1,000 USD/xe/năm và ở Việt Nam có 3 triệu xe đang hoạt động thì mỗi năm Nhà nước có thể dễ dàng thu được 3 tỷ USD, ngon lành hơn nhiều việc phải tranh cãi với doanh nghiệp về giá xe kê khai khi nhập khẩu.

Hơn nữa, nếu Nhà nước muốn hạn chế xe ôtô cá nhân, việc tăng thuế sử dụng xe sẽ gây áp lực tâm lý đối với người tiêu dùng hơn nhiều việc tăng các loại thuế nhập khẩu hay thuế tiêu thụ đặc biệt. Ngoài ra, thuê sử dụng xe là mức thuế nội địa theo thông lệ quốc tế, Nhà nước sẽ không vấp phải các tranh chấp thương mại với các quốc gia khác.

Nhìn một cách tổng quan, tôi cho rằng Việt Nam với hơn 85 triệu dân là một thị trường vô cùng tiềm năng cho cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp.

Nếu Nhà nước có một cách tiếp cận khôn ngoan, phù hợp như một doanh nghiệp tiếp cận với khách hàng thì chắc hẳn Nhà nước sẽ có được những nguồn thu ngân sách rất dồn dào, ổn định, minh bạch và giảm hẳn sự nhũng nhiễu từ bộ máy hành chính.

Bạn nghĩ sao về vấn đề này?

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2008

Thuế

Trong hơn hai thập niên chuyển sang kinh tế thị trường, các hoạt động kinh doanh thương mại ở Việt Nam đã phát triển rất nhanh nhưng có một lĩnh vực vẫn phát triển rất chậm. Đó là thu thuế.

Đối với bất kỳ một chế độ nào, thuế một là công cụ cực mạnh để điều khiển nền kinh tế, điều thiết thu nhập xã hội. Khi Nhà nước tập chung sử dụng tốt công cụ thuế, Nhà nước sẽ luôn nắm đằng chuôi. Chỉ cần thu thuế tốt thì ngân sách cũng đã tăng lên nhiều lần chứ Nhà nước đâu cần phải thiết lập các doanh nghiệp nhà nước để tự kinh doanh làm gì cho mệt?

Hãy cứ để việc kinh doanh cho các doanh nghiệp dân doanh làm! Họ có động lực gắn chặt với doanh nghiệp, họ xót xa khi tiêu từng đồng tiền thì hẳn họ sẽ làm ăn hiệu quả hơn nhiều một doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu. Nhà nước chỉ nên làm doanh nghiệp một cách bất đặc dĩ ở những lĩnh vực mà tư nhân không đủ sức làm hoặc không muốn làm nhưng xã hội lại cần có để đảm bảo phổ cập hạ tầng, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Tôi có sở thích hay lái đi Xuyên Việt, dọc đường, trên những cánh đồng lúa xanh, thường gặp những khẩu hiệu “Đóng thuế là quyền lợi và nghĩa vụ của công dân”, “Đóng thuế là vinh quang”, … Những khẩu hiệu sáo rộng như vậy đã tồn tại hàng chục năm này, nhiều nơi khẩu hiệu còn được xây kiên cố, đúc hẳn bằng bêtông cho nó bền?! Tôi nghĩ, chắc những tượng đài này không giúp được ngành thuế làm tốt hơn công việc của mình.

Theo nguyên tắc quản lý tương tác hiện đại, chính sách thuế của nhà nước cần được xây dựng dựa trên tinh thần Win – Win giữa Nhà nước và người dân. Tức là làm sao để cả Nhà nước lẫn người đóng thuế cùng có lợi, cùng thắng khi đóng và thu thuế. Chính sách của Nhà nước cần khuyến khích để người dân có lợi ích và quan tâm giúp nhà Nước thu thuế.

Tôi đứng ở các siêu thị, ở các cửa hàng bán lẻ thấy có đến gần 100% số người mua hàng đã không lấy hóa đơn hoặc vứt ngay hóa đơn mua hàng vào sọt rác. Tôi đi ăn ở nhà hàng, khi thanh toán, Quản lý thường hỏi “Anh chị có lấy hóa đơn đỏ không?”. Phần nhiều các thực khách khi tiêu bằng tiền cá nhân đã lắc đầu để còn “check-out" cho nhanh.

Điều đó diễn ra là do người dân không có lợi ích gì khi buộc các nhà cung ứng hàng hóa dịch vụ phải xuất hóa đơn tài chính hợp pháp. Không rõ, sẽ có bao nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, cửa hàng sẽ không phát hành hóa đơn để trốn khoản thuế này? Ở đây, Nhà nước sẽ mất cả thuế VAT lẫn thuế thu nhập doanh nghiệp!

Tôi đọc trên báo nước ngoài về một nguyên lý rất hay về thuế và thu nhập. Người ta gọi nôm na là nguyên lý “Củ khoai tây nóng”. Giống như củ khoai nóng, khi ta nhận vào tay ta sẽ lập tức chuyển nó sang tay bên kia hoặc chuyển cho người khác. Thu nhập cũng vậy, Nhà nước cần khuyến khích người dân tiêu dùng thu nhập của mình, thông qua đó thúc đẩy kinh doanh sản xuất của cả xã hội. Và Nhà nước chỉ đánh thuế đối với “củ khoai nào” còn lại ở trên tay.

Ở nhiều nước, khi tính thuế thu nhập cá nhân, Nhà nước cho phép người đóng thuế được khấu trừ mọi chi phí bằng cách trình ra các hóa đơn chứng từ hợp pháp. Điều này đã biến hàng triệu người dân trở thành các nhân viên “thuế vụ tình nguyện” của Nhà nước.

Khi đó, người dân sẽ quan tâm tới việc lấy hóa đơn khi mua bất cứ hàng hóa dịch vụ gì, dù là nhỏ nhất. Người dân cũng quan tâm hơn nhiều tới việc chi tiêu bằng thẻ, bằng chuyển khoản qua ngân hàng, thay vì dùng tiền mặt vì khi chi tiêu không dùng tiền mặt sẽ dễ dàng chứng minh chi phí, dễ dàng kiểm soát chi tiêu qua các bảng kê ngân hàng.

Như vậy, khi Nhà nước chấp nhận cho mỗi cá nhân được khấu trừ chi phí như một doanh nghiệp, Nhà nước sẽ có toàn dân trở thành những người quan tâm, kiểm soát và hỗ trợ việc thu thuế. Người dân khi chi tiêu sẽ đêu đòi hóa đơn để còn được khấu trừ thuế.

Khi Nhà nước thu được đầy đủ tiền thuế từ mỗi đồng chi tiêu của người dân, tổng số thuế thu được sẽ lớn nhiều lần so với khoản Nhà nước cho người dân khấu trừ. Có lẽ đây chính là mô hình “chiến tranh nhân dân” của ngành thuế thay vì cứ chăm chăm nắm người có tóc hay tranh cãi xem 5 hay 6 triệu đồng thu nhập là đã đủ sống, đã đủ nhiều để đóng thuế hay chưa?