Thứ Tư, 4 tháng 6, 2008

Thuế

Trong hơn hai thập niên chuyển sang kinh tế thị trường, các hoạt động kinh doanh thương mại ở Việt Nam đã phát triển rất nhanh nhưng có một lĩnh vực vẫn phát triển rất chậm. Đó là thu thuế.

Đối với bất kỳ một chế độ nào, thuế một là công cụ cực mạnh để điều khiển nền kinh tế, điều thiết thu nhập xã hội. Khi Nhà nước tập chung sử dụng tốt công cụ thuế, Nhà nước sẽ luôn nắm đằng chuôi. Chỉ cần thu thuế tốt thì ngân sách cũng đã tăng lên nhiều lần chứ Nhà nước đâu cần phải thiết lập các doanh nghiệp nhà nước để tự kinh doanh làm gì cho mệt?

Hãy cứ để việc kinh doanh cho các doanh nghiệp dân doanh làm! Họ có động lực gắn chặt với doanh nghiệp, họ xót xa khi tiêu từng đồng tiền thì hẳn họ sẽ làm ăn hiệu quả hơn nhiều một doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu. Nhà nước chỉ nên làm doanh nghiệp một cách bất đặc dĩ ở những lĩnh vực mà tư nhân không đủ sức làm hoặc không muốn làm nhưng xã hội lại cần có để đảm bảo phổ cập hạ tầng, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Tôi có sở thích hay lái đi Xuyên Việt, dọc đường, trên những cánh đồng lúa xanh, thường gặp những khẩu hiệu “Đóng thuế là quyền lợi và nghĩa vụ của công dân”, “Đóng thuế là vinh quang”, … Những khẩu hiệu sáo rộng như vậy đã tồn tại hàng chục năm này, nhiều nơi khẩu hiệu còn được xây kiên cố, đúc hẳn bằng bêtông cho nó bền?! Tôi nghĩ, chắc những tượng đài này không giúp được ngành thuế làm tốt hơn công việc của mình.

Theo nguyên tắc quản lý tương tác hiện đại, chính sách thuế của nhà nước cần được xây dựng dựa trên tinh thần Win – Win giữa Nhà nước và người dân. Tức là làm sao để cả Nhà nước lẫn người đóng thuế cùng có lợi, cùng thắng khi đóng và thu thuế. Chính sách của Nhà nước cần khuyến khích để người dân có lợi ích và quan tâm giúp nhà Nước thu thuế.

Tôi đứng ở các siêu thị, ở các cửa hàng bán lẻ thấy có đến gần 100% số người mua hàng đã không lấy hóa đơn hoặc vứt ngay hóa đơn mua hàng vào sọt rác. Tôi đi ăn ở nhà hàng, khi thanh toán, Quản lý thường hỏi “Anh chị có lấy hóa đơn đỏ không?”. Phần nhiều các thực khách khi tiêu bằng tiền cá nhân đã lắc đầu để còn “check-out" cho nhanh.

Điều đó diễn ra là do người dân không có lợi ích gì khi buộc các nhà cung ứng hàng hóa dịch vụ phải xuất hóa đơn tài chính hợp pháp. Không rõ, sẽ có bao nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, cửa hàng sẽ không phát hành hóa đơn để trốn khoản thuế này? Ở đây, Nhà nước sẽ mất cả thuế VAT lẫn thuế thu nhập doanh nghiệp!

Tôi đọc trên báo nước ngoài về một nguyên lý rất hay về thuế và thu nhập. Người ta gọi nôm na là nguyên lý “Củ khoai tây nóng”. Giống như củ khoai nóng, khi ta nhận vào tay ta sẽ lập tức chuyển nó sang tay bên kia hoặc chuyển cho người khác. Thu nhập cũng vậy, Nhà nước cần khuyến khích người dân tiêu dùng thu nhập của mình, thông qua đó thúc đẩy kinh doanh sản xuất của cả xã hội. Và Nhà nước chỉ đánh thuế đối với “củ khoai nào” còn lại ở trên tay.

Ở nhiều nước, khi tính thuế thu nhập cá nhân, Nhà nước cho phép người đóng thuế được khấu trừ mọi chi phí bằng cách trình ra các hóa đơn chứng từ hợp pháp. Điều này đã biến hàng triệu người dân trở thành các nhân viên “thuế vụ tình nguyện” của Nhà nước.

Khi đó, người dân sẽ quan tâm tới việc lấy hóa đơn khi mua bất cứ hàng hóa dịch vụ gì, dù là nhỏ nhất. Người dân cũng quan tâm hơn nhiều tới việc chi tiêu bằng thẻ, bằng chuyển khoản qua ngân hàng, thay vì dùng tiền mặt vì khi chi tiêu không dùng tiền mặt sẽ dễ dàng chứng minh chi phí, dễ dàng kiểm soát chi tiêu qua các bảng kê ngân hàng.

Như vậy, khi Nhà nước chấp nhận cho mỗi cá nhân được khấu trừ chi phí như một doanh nghiệp, Nhà nước sẽ có toàn dân trở thành những người quan tâm, kiểm soát và hỗ trợ việc thu thuế. Người dân khi chi tiêu sẽ đêu đòi hóa đơn để còn được khấu trừ thuế.

Khi Nhà nước thu được đầy đủ tiền thuế từ mỗi đồng chi tiêu của người dân, tổng số thuế thu được sẽ lớn nhiều lần so với khoản Nhà nước cho người dân khấu trừ. Có lẽ đây chính là mô hình “chiến tranh nhân dân” của ngành thuế thay vì cứ chăm chăm nắm người có tóc hay tranh cãi xem 5 hay 6 triệu đồng thu nhập là đã đủ sống, đã đủ nhiều để đóng thuế hay chưa?

Không có nhận xét nào: