Thứ Năm, 29 tháng 5, 2008

Liệu Việt Nam sẽ đổi vận?

Mệnh đề "cơ hội & thử thách" luôn đồng hành với nhau, sự khác biệt là hiện thực hoá được cơ hội hay không? Hay sẽ bị thách thức đánh gục? Đó đang là hình ảnh của Việt Nam hiện nay. Không chỉ là "cuộc chiến" với lạm phát, với những cuộc khủng hoảng mini như: thị trường chứng khoán suy sụp, thị trường tiền tệ mong manh, thị trường bất động sản đóng băng, thị trường hàng hoá khi thì "sốt" mặt hàng gạo, lúc thì "sốt" xi măng...

Trả giá

Cách đây 2 tháng, khi chỉ số giá tiêu dùng ( CPI ) của Việt Nam 3 tháng đầu năm vượt 9%, buộc thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng "đăng đàn" cho dân biết chính phủ sẽ làm gì để ổn định tình hình? Sau thông điệp của ông Dũng, cũng như sự vào cuộc nhiệt tình của giới truyền thông ( tất nhiên, không thể không có sự chỉ đạo của đảng cầm quyền với giới truyền thông) những hy vọng còn lại của người dân được đặt vào thủ tướng.

Đổi lại, ông cũng có 2 quyết định đúng lúc, đó là công khai thông tin kinh tế vĩ mô một cách cập nhật và qui định không được tăng giá trên 10 mặt hàng chiến lược – thiết yếu. Bên cạnh những giải pháp mang tính lâu dài như: thắt chặt tiền tệ, cắt giảm chi tiêu và đầu tư công, hỗ trợ người nghèo. Với mục tiêu: kiểm soát lạm phát.

Nhưng kết quả đạt được chỉ là sự ngán ngẩm của toàn xã hội. Chỉ số CPI sau 1 tháng "hạ nhiệt" đã tiếp tục "leo thang" cùng với đó là sự xuống dốc không phanh của thị trường chứng khoán, hệ thống ngân hàng thì mong manh có thể "gặp vấn đề" bất kỳ lúc nào cho dù Ngân hàng nhà nước luôn khẳng định hệ thống ngân hàng đã ổn định, thị trường bất động sản đóng băng. Tất cả những vấn đề đó chưa "nóng" bằng những cơn "sốt" hàng hoá có thể diễn ra bắt kỳ lúc nào, khiến chính phủ "toát mồ hôi hột" dập tắt cũng như công khai nguyên nhân tại sao có "sốt"?

Vì sao nên nông nỗi này?

Khi 1 năm trước đây, vẫn hệ thống – thể chế đó, vẫn những con người đó, Việt Nam đã từng nghĩ đến cơ hội đổi vận thì nay trở thành thách thức chưa biết sẽ đi về đâu?

Câu trả lời không thể ngắn gọn và chính xác hơn: Trả giá!

Việt Nam phải trả giá cho việc trọng dụng những con người Tư tưởng – ý thức hệ. Những người thiếu năng lực – trình độ nhưng giỏi thích ứng với thể chế xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, giới tri thức bị đảng cầm quyền "soi xét" nếu sử dụng và gần như không có cơ hội trở thành lãnh đạo chủ chốt.

Một xã hội, một nền kinh tế không được vận hành theo qui luật khách quan, đã "ngấm" trong lòng Việt Nam, thay vào đó là những khẩu hiệu, những chỉ tiêu, kế hoạch...mang nặng tính hình thức – duy ý chí, được áp đặt từ nhà cầm quyền.

Ngay cả khi đảng cầm quyền chấp nhận đổi mới thừa nhận kinh tế thị trường, thì quyền được làm giàu của người dân cũng bị "loại trừ" trong nhiều lĩnh vực. Về chính trị, "quyền" của người dân lại càng "mờ mịt" hơn. Nói cách khác, nhà nước trở thành "quyền lực" khống chế sức bật của cả dân tộc, người dân mất đi sự năng động – sáng tạo – dám nghĩ – dám làm. Còn những kẻ cơ hội lại ngày càng sinh sôi nảy nở, trở thành một quyền lực vô hình, từng bước kiểm soát xã hội cả về kinh tế và chính trị.

Trong một hệ thống một chiều như vậy, khi đảng cầm quyền khẳng định là đúng, thì những người biết sai cũng không có cơ hội trình bày quan điểm.Khi đảng cầm quyền đó là cơ hội là phát triển thì ai dám đưa ra các dự báo về nguy cơ về khủng hoảng.

Chính ông Dũng đã thừa nhận trước quốc hội, những khó khăn ( chứ không dám khẳng định là khủng hoảng) hiện nay là do yếu kém nhiều năm trước đây tích tụ, nay phát tác, trong khi chính phủ yếu kém trong dự báo.

Cái giá Việt Nam đang phải trả cho một thời lựa chọn sai lầm có thể được giảm nhẹ khi và chỉ khi đảng cầm quyền thực tế hơn, thay vì "sống chết" với ý thức hệ cần phát huy ngay lập tức sức sống mạnh liệt của dân tộc từ bờ vực của khủng hoảng hiện nay

Trách nhiệm

Người ta sống vì tương lai. Đó cũng là văn hoá và lựa chọn của người Á Đông , mà trong trường hợp này là người Việt Nam. Những sai lầm chỉ có một cách sửa là thay đổi càng sớm và càng triệt để thì mới lấy lại được niềm tin của xã hội.

Điều người dân muốn lúc này không phải là sự trấn an kiểu: Việt Nam có triển vọng dài hạn sáng sủa, khó khăn trước mắt có thể vượt qua, hãy tin vào đảng cầm quyền.

Thật là nực cười khi những con người đó, hệ thống đó, đã không đủ trình độ và sự tỉnh táo để nhận diện nguy cơ của đất nước khi chơi chung 1 "luật chơi" mang tên: Toàn cầu hoá. Nay lại mong muốn hay "mệnh lệnh" cho xã hội phải "tín nhiệm" mình.

Điều người dân muốn lúc này là:

Trách nhiệm của cá nhân – tổ chức đã đưa đất nước vào "vòng xoáy" khủng hoảng mang tính dây chuyền hiện nay. Đó không phải là "nhận trách nhiệm" để rồi tiếp tục "tại vị" đến hết nhiệm kỳ. Cần có những cá nhân phải từ chức hoặc bị cắt chức để những con người có năng lực hơn, dám làm hơn, dám chịu trách nhiệm cá nhân có cơ hội làm việc cho dân, cho nước.

Trách nhiệm của người đứng đầu chính phủ, vì dù sao, bộ trưởng, những tư lệnh ngành cũng chỉ là người giúp việc cho thủ tướng.Các bộ trưởng cũng không có quyền lựa chọn cấp phó của mình, nhiều ngành – lĩnh vực không thể tự quyết mà luôn phải hỏi ý kiến của thường trực chính phủ hoặc thủ tướng chính phủ. Nếu trách nhiệm không rõ ràng, đến bao giờ người tài, có năng lực, dám làm, dám chịu mới được thi thố tài năng? Những kẻ yếu kém, cơ hội, mới bị thanh lọc?

Người ta không thể quên được ông Dũng đã "đối thoại" với dân như thế nào? Đã "chỉ đạo" như thế nào về các "vụ án trọng điểm" khi mới nhận cương vị người đứng chính phủ. Cũng từ những "thể hiện" bên ngoài đó, xã hội, giới đầu tư đã kỳ vọng vào ông, vào cơ hội của đất nước. Đã đến lúc ông Dũng "đáp lại" những kỳ vọng đó. Đã đến lúc ông cho nhân dân biết ông đã thực hiện những gì và chưa làm được những gì của "đối thoại". Và cũng 2 năm rồi, người dân muốn biết "chỉ đạo" nói trên của ông kết quả ra sao?

Trong thông điệp gửi nhân dân về quyết tâm kiềm chế lạm phát ,,,,,một trong những giải pháp được người đứng đầu chính phủ thông báo cho toàn dân là: giảm chi tiêu và đầu tư công. Vậy, trong 2 tháng đã qua, Việt Nam đã giảm được bao nhiêu đồng và những chuyển biến tích cực nào từ chuyện giảm đó?

Nhân dân cũng nhớ, thủ tướng là người ký các quyết định cho thành lập "thử nghiệm" 8 tập đoàn kinh tế nhà nước, kể từ tháng 8 năm 2006 đến năm 2007. Vặy, kết quả thử nghiệm đó ra sao? Cần những con số, những đánh giá độc lập về các tập đoàn kinh tế nhà nước để người dân biết, mồ hôi – công sức của mình được quản lý hiệu quả, không có rủi ro. Để môi trường kinh doanh không bị méo mó làm cho đất nước mất khả năng hấp dẫn, chỉ vì "quyền" kinh doanh và tác động đến chính sách của các tập đoàn này.

Truyền thông & Tiếng nói của nhân dân

Những ngày gần đây, ngoài các vấn đề kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến đại bộ phận nhân dân thì có rất nhiều "sự kiện" liên quan đến truyền thông và Tiếng nói của nhân dân.

Đó là "sự kiện" ông Nguyễn Việt Tiến được minh oan và đồng hành với việc minh oan trên có 2 nhà báo đã trở thành can phạm. Việc "minh oan" cho ông Tiến và "tạm giam" các nhà báo dù muốn hay không đã tạo ra hiệu ứng không tích cực đối với đất nước.

Nói trong "khuôn khổ" Việt Nam là như vậy, nhưng lòng người thì không bị giới hạn bởi khuôn sáo nào hết. Người dân thật khó lý giải, một ông thứ trưởng, phụ trách 1 lĩnh vực có cấp dưới bị kết án, ảnh hưởng đến quan hệ giữa Việt Nam và các nhà tài trợ, lại "vô tội"? Còn những nhà báo, những người có trách nhiệm thông tin đến xã hội sự kiện lại "có tội"? Và càng khó hiểu hơn, khi giới truyền thông sau một hai ngày đưa tin về sự kiện "hot" này bất ngờ im hơi nặng tiếng.

Chẳng nhẽ, người dân cứ phải đóng thuế cho ngân sách để duy trì hệ thống truyền thông nhà nước trong khi muốn biết thông tin "sốt dẻo" nhiều khi là chính xác từ các thông tấn xã ...vỉa hè sao? Đó là chưa nói đến cái giá Việt Nam phải mang khi thế giới "đặt điều" rằng truyền thông Việt Nam "thỉnh thoảng" bị "bịt miệng"

Đó còn là một vấn đề hệ trọng với đất nước: Điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội và một số tỉnh. Vẫn biết là Hà Nội, chật hẹp, nhu cầu phát triển hay mong muốn về một thủ đô "tầm cỡ" là mẫu thuẫn cần giải quyết. Nhưng có nên "đùng một phát" thông qua ở quốc hội, mà "người trong cuộc" cụ thể ở đây là dân Hà Nội, Hà Tây và Hoà Bình – Vĩnh Phúc không hề biết tương lai cuộc sống của mình ra sao? Mà "chất lượng" cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng nhân dân thế nào, chẳng phải bàn dân đều biết. Thử hỏi, 70% đại biểu "nghiệp dư" có thể "sáng suốt" mà đại diện cho lợi ích của đại bộ phận người dân thấp cổ bé họng hay bị lobby ( trực tiếp hay không trực tiếp ) của các nhóm lợi ích?

Vì chỉ có là người trên sao Hoả mới không biết "làn sóng" đầu cơ ở những tỉnh được "điều chỉnh" về Hà Nội. Và càng là "người nhà nước" thì càng biết có rất nhiều "dự án" của các tổng công ty – tập đoàn kinh tế ở khu vực có thể được "lên đời" này.

Với những người nông dân, khả năng "lên đời" từ "điều chỉnh" là không phải bàn cãi, những lợi hay hại khi "ném" cho những người gần như cả đời làm nông nghiệp "một đống tiền" và "đẩy" họ khỏi ngôi nhà, mảnh vườn, thửa ruộng, nghề nông mà họ gắn bó bao đời? Bất ổn xã hội, làn sóng di dân cơ học cũng từ đó mà lên, thủ đô mới "rộng hơn" những sẽ tiếp tục gặp phải những vấn đề trước đây, liệu có đáng để "đánh đổi"?

Ở một góc đánh giá khác, người dân có quyền "chất vấn": Phải chăng, mở rộng Hà Nội là hình thức "hà hơi tiếp sức" cho những tập đoàn kinh tế - tổng công ty đang "thực tập" kinh doanh đa ngành đa nghề nhưng sớm "mắc cạn" có thể "phá sản" vì đầu tư tài chính – bất động sản? Một sự "cứu" gián tiếp nền kinh tế, vốn đang "ủ bệnh" do chứng khoán hoá và kinh doanh đa ngành vô tội vạ?

Nếu vậy, xin đừng "bao to búa lớn" khi dân "đầu cơ" hàng hoá để lo cho thân mình trước.

Một "vòng xoáy" lo cho thân mình bằng mọi giá như vậy sẽ tiếp tục "đóng băng" tiền của vào bất động sản, vàng hoặc "tích trữ" hàng hoá. Nền kinh tế không những "giảm tốc" nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp lay lắt ( do luật phá sản đã "phá sản" trước thực tế), thất nghiệp gia tăng, giá cả tiếp tục "leo thang" , mà suy cơ bất ổn xã hội đã hiện hữu.Những vấn đề dân sinh như vậy cũng "quá đắt" chứ đừng nói đến "chạy chức – chạy quyền – chạy dự án, những điều "không thể thiếu" khi tách – nhập.

Ngôi sao hoà bình

Ngoài những thách thức từ "bên trong" như trên, Việt Nam cũng phải đối diện với nguy cơ từ bên ngoài. Đó không chỉ là tranh chấp ngày càng "trực diện" về lợi ích giữa Việt Nam và Trung Quốc. Mà nguy cơ cao nhất là những quốc gia khác thực hiện cải cách triệt để nhằm biến cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu hiện nay thành vận hội phát triển của họ. Rõ ràng, Việt Nam vừa có chút hy vọng đổi vận , nay lại bị cạnh tranh gay gắt và có thể bị bỏ lại phía sau mãi mãi.

Lúc này đây, người Việt Nam ( tôi không muốn nói đến chính phủ ) phải vượt qua những rào cản nội tại để biến Việt Nam thành Ngôi sao Hoà Bình.

Cách đây ít tháng có một tiến sỹ ở Viện nghiên cứu chiến lược – Bộ công thương sau khi đọc một số bài viết của tôi về kinh tế và thị trường chứng khoán đã hẹn gặp tôi để anh em có dịp trao đổi. Là người trong "bộ máy", anh đã chia sẻ với tôi nhiều suy nghĩ của "bên trong", từ chuyện báo chí tư nhân để chống tham nhũng, rồi quyền thể hiện quan điểm của người dân sao người dân không thực hiện, đến những vấn đề về "quyền lực" không ngai của các tập đoàn kinh tế nhà nước, mà như anh nói là "em đừng đụng vào tổ ông đó", vai trò của kinh tế tư nhân....

Qua đó, có thể thấy, người Việt Nam "đau đáu" về vị thế của đất nước nhưng làm sao để hiện thực hoá "khát khao" đó thì vẫn cần "chìa khoá". Trong khi, "chìa khoá" chính là sức mạnh đồng thuận của chính người dân, lại cứ bị phân tán, do sợ hãi.

Con đường của Việt Nam chỉ có thể là:

Về đối nội:

Một là, đảng cầm quyền cần thanh lọc chính mình, thoát khỏi "dây trói" của ý thức hệ. Một tín hiệu đáng lưu ý, trong thời gian gần đây nhiều chủ tịch uỷ ban nhân dân các địa phương được trẻ hoá, "đội hình" 5X – 6X "phủ sóng" báo hiệu 1 sự trẻ hoá gần như toàn diện của đảng cầm quyền trong thời gian tới ( tất nhiên trừ các bộ sức mạnh như công an – quốc phòng). Đội hình này, ngoài những "chim đầu đàn" như ông Nguyễn Thiện Nhân, Hoàng Trung Hải, xuất hiện thêm những cái tên rất đáng chú ý như: Đinh La Thắng, Vũ Đức Đam,,,,Đương nhiên, ông Dũng dù không công khai đã được nhận diện là "anh cả".

Hai là, Thay vì tìm cách "kiểm soát" đầy "tinh vi" truyền thông, đã đến lúc Việt Nam "nghĩ lớn": Truyền thông là cánh cửa đưa Việt Nam đến thế giới phát triển, không phải tự nhiên Anh – Mỹ là những quốc gia hàng đầu về truyền thông.Không nên "bỏ một giỏ" vào hệ thống truyền thông nhà nước, khi tư nhân làm hiệu quả hơn. Hãy luật hoá để tư nhân được danh chính ngôn thuận đầu tư – kinh doanh truyền thông – in ấn – xuất bản ở Việt Nam sở hữu ở nước ngoài.

Ba là: Không thể trao tài sản quốc gia vào tay những doanh nghiệp nhà nước. Đã đến lúc toàn cầu hoá đội ngũ nhân sự SCIC, biến SCIC thành một tổ chức đầu tư theo mệnh lệnh thị trường. Không tiếp tục "thử nghiệm" mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước, cũng như biến các lĩnh vực động quyền nhà nước trong đó có tài nguyên quốc gia thành môi trường cạnh tranh, thúc đẩy các tập đoàn kinh tế tư nhân tham gia vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Khi kinh tế tư nhân mạnh lên, khu vực FDI ngày một "bành trướng" doanh nghiệp nhà nước phải tái cấu trúc để tồn tại.

Bốn là: Thúc đẩy các viện – trung tâm nghiên cứu và phát triển tư nhân, của các tập đoàn đa quốc gia. Mô hình hiện nay của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, hoặc Viện nghiên cứu phát triển ( IDS ) cần được phát triển . Đặc biệt là các trung tâm nghiên cứu và phát triển ( R&D) của các tập đoàn đa quốc gia, cần nhanh chóng thu hút họ đến Việt Nam.

Năm là: Đảng cầm quyền, thúc đẩy các doanh nhân thành đạt trên thương trường tham gia điều hành đất nước với vị trí tỉnh trưởng hoặc bộ trưởng trong chính phủ. Trường hợp ông Nguyễn Quốc Kỳ, tham gia chính trường gần đây thể hiện xu thế này. Đáng tiếc, ông Kỳ, đúng hơn là những người "mời ông " tham chính đã không đủ bản lĩnh thực hiện ý tưởng của mình. Đất nước đã "chơi" toàn cầu, cần những con người của thương trường trên chính trường.

Sáu là: Bằng mọi giá, đảng cầm quyền, sức ép của nhân dân phải tách tư pháp độc lập. Sự việc ông Nguyễn Việt Tiến và các nhà báo càng đòi hỏi điều đó.

Bảy là: Tập trung nguồn lực, chính sách, tạo "lực đẩy" cho nông nghiệp Việt Nam có một vị thế "chi phối" trên thị trường nông nghiệp toàn cầu. Khi nguy cơ khủng hoảng lương thực – thực phẩm ngày một rõ nét, không có lý gì một quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đàu thế giới như Việt Nam không vươn lên "kiểm soát" thị trường, ấn định "luật chơi"?

Về đối ngoại:

Một là: chúng ta đang bị Trung Quốc tạo áp lực từ nhiều phía. Do đó, cần gửi đến "anh láng giềng" này thông điệp: Hoặc chúng tôi chơi với anh và các cường quốc khác hoặc không có anh. Thực tế Trung Quốc là một thị trường khổng lồ, một thách thức mà giới doanh – thương Việt Nam cần thâm nhập bằng quyết tâm sắt đá.

Hai là: Duy trì quan hệ "đối tác chiến lược" với Mỹ - Nhật – Nga là cách tốt nhất "bảo vệ" lợi ích của Việt Nam trước Trung Quốc. Xác định Việt Nam là một quốc gia nhỏ, thân thiệp, nguồn nhân lực dồi dào, không có tham vọng cạnh tranh hoặc đe doạ Mỹ - Nhật. Từ đó thu hút công nghệ cao và công nghệ nguồn, đây là con đường không dễ dàng cần cả khát khao và quyết tâm của giới trẻ Việt Nam. Lợi thế của Việt Nam trong cuộc đua thu hút công nghệ với 2 "siêu cường" Ân – Trung không ngoài yếu tố "Việt Nam không cạnh tranh hoặc đe doạ đến lợi ích và vị trí của Mỹ - Nhật"

Ba là: Việt Nam cần có thực lực thương trường, trong khi chạy đua thu hút công nghệ, Các doanh nhân, nhà nghiên cứu và bộ máy chính quyền cần tạo ra sức mạnh tổng lực cho ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển. Đây là chìa khoá để Việt Nam có tiếng nói trọng lượng trên thị trường nông sản toàn cầu. Đại diện cho các nước nghèo ở châu Phi – Châu á – Mỹ la tinh, tạo ra Tiếng nói bảo vệ lợi ích của Khối. Đồng thời đây là thị trường hàng hoá – văn hoá – tư tưởng của Việt Nam.

Bốn là: Chính phủ cần hậu thuận mạnh mẽ cho các doanh nhân – các tập đoàn kinh tế tư nhân vươn ra thị trường thế giới. "chia bánh" trong các lĩnh vực: truyền thông, tài chính – ngân hàng, năng lượng – tài nguyên, công nghệ sinh học....Tham gia thị trường thế giới là con đường để doanh nghiệp Việt Nam tồn tại và phát triển.

Năm là: Tham gia các tổ chức khu vực ( đa phương – song phương) để có thể bảo vệ lợi ích của chính Việt Nam và các quốc gia khác. Không tham gia, đồng nghĩa với tự cô lập, tước bỏ lợi ích của chính mình. Đặc biệt, các công dân Việt Nam nên tham gia và phát triển sự nghiệp tại các tổ chức phi chính phủ và chính phủ. Chỉ khi "hiểu" đối tác, Việt Nam mới phát triển được chính mình.

Sáu là: Bảo vệ lợi ích của cộng đồng kiều bào ở nước ngoài. Kiều bào chính là chìa khoá để hàng hoá – văn hoá – tư tưởng Việt Nam Thâm nhập các thị trường một cách bền vững. Phát triển các trung tâm văn hoá Việt Nam ở nước ngoài. Và thu hút người nước ngoài lựa chọn Việt Nam để sống – làm việc – nghỉ dưỡng, đơn giản là Việt Nam hiếu khách – an toàn thì không có lý gì không thực hiện chiến lược đó.

Trên đây là những suy nghĩ của tôi về tình hình hiện nay cũng như những giải pháp chúng ta có thể theo đuổi để đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Đổi vận hay không tuỳ thuộc vào nỗ lực của chính chúng ta, cơ hội vẫn còn đó, nếu lại để cơ hội "dìm" đất nước chúng ta trở về "vạch xuất phát" liệu số phận dân tộc đi về đâu?

Rất mong các bạn ISE cho mình thêm những ý kiến, vì đã đăng quá nhiều mà không thấy ai lên tiếng.

1 nhận xét:

nguyen kim thanh nói...

Bai bao nay chi trich chinh phu va dang nhieu qua. May khong so bi to cao sao